Khoáng Học & Thạch Học & Ngọc Học
Khoáng Học: Một bộ môn của địa chất học nghiên cứu hình thái, cấu trúc, tính chất vật lí, hoá học, thành phần hoá học, sự phân bố, nguồn gốc và điều kiện thành tạo của các khoáng vật.
Thạch Học: Một bộ môn của địa chất học nghiên cứu hình thái, cấu trúc, tính chất vật lí, hoá học, thành phần hoá học, sự phân bố, nguồn gốc và điều kiện thành tạo của các thạch vật (đá).
Ngọc Học: Một bộ môn của địa chất học nghiên cứu hình thái, cấu trúc, tính chất vật lí, hoá học, thành phần hoá học, sự phân bố, nguồn gốc và điều kiện thành tạo của các ngọc.
Khoáng Vật & Thạch Vật (Đá) & Ngọc (Đá Quý)
Khoáng vật: là một nguyên tố hay một hợp chất hóa học thông thường kết tinh và được tạo ra như là kết quả của các quá trình địa chất. Các phân loại mới cũng bao gồm cả lớp hữu cơ kết tinh. Ngoài ra, các vật liệu tương tự như khoáng vật nhưng không phù hợp chặt chẽ với định nghĩa về khoáng vật thì đôi khi hay được gọi chung là các Á Khoáng (mineraloid) cũng được xếp vào khoáng vật. Ngắn gọn: khoáng vật chất rắn kết tinh nguồn gốc tự nhiên với thành phần hóa học xác định.
Thạch vật (đá): Tổ hợp của một hay nhiều khoáng vật. Có những thạch vật (đá) cũng đồng thời là khoáng vật cùng tên. Có những thạch vật là tổ hợp của khoáng vật với chất hữu cơ hoặc á khoáng. Nhưng phải đảm bảo trong thành phần của nó có ít nhất một thành phần là khoáng vật. Ngắn gọn: thạch vật là tổ hợp của nhiều vật chất trong đó có thành phần khoáng vật.
Ngọc: Ngọc là một khái niệm rộng rãi và vẫn còn tranh cãi. Ngọc có thể là một khoáng vật, một thạch vật, một hợp chất hữu cơ, một á khoáng, hay một tập tổ hợp những loại đó, nhưng lại phải hội đủ vài yếu tố đặc biệt (Hiệu ứng ánh sáng, độ hiếm, độ bền, Hiệu ứng vật lý, hiệu ứng điện, hiệu ứng do lịch sử..). Ngắn gọn: ngọc là thứ mà có giá trị thẩm mỹ cao, được dùng chế tác thành đồ quý trong đời sống.
Định Danh Khoáng Vật, Thạch Vật và Ngọc
Khoáng Vật:
Vì khoáng vật có thành phần hóa học xác định nên nó có số lượng xác định (điều này không có nghĩa là người ta đã xác định chính xác được bao nhiêu loại khoáng vật !) . Do đó, mỗi loại khoáng vật đều có thể định danh quốc tế và định danh bằng chính công thức hóa học của nó. (Không hoàn toàn chính xác, đôi khi phải bổ sung thêm vài thuộc tính khác, nhưng đều có thể xác định). Có vài bảng phân loại được thừa
nhận rộng rãi như Dana hay Strunz, tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi quanh khái niệm này.Có khoảng trên 4000 khoáng vật được định tính và định danh. Xem thêm về danh mục khoáng vật.
Thạch Vật:
Vì là tổ hợp của nhiều khoáng vật, á khoáng, hợp chất hữu cơ nên số lượng thạch vật là vô số. Điều này không có nghĩa là bất cứ dạng tổ hợp bất kỳ nào cũng được xem là một loại đá. Tổ hợp đó phải có số lượng lớn, có một mẫu thức nhận dạng xác định, có một cấu trúc mô tả được thì mới được định danh là đá. Một số được định danh theo lịch sử, một số định danh theo nguồn gốc, một số định danh theo khoáng vật tạo thành. Việc định danh đá hiện nay chưa bao giờ được thống nhất. Tuy nhiên, thông thường có khoảng hơn 7000 loại đá riêng biệt (không kể khoáng vật) được định danh chính thức. Xem thêm về danh mục thạch vật cơ bản.
Ngọc:
Do tính chất phức tạp của ngọc về mặt khái niệm nên việc định danh ngọc khá khó khăn. Việc định danh hiện này hoặc theo tên khoáng vật, hoặc theo tên đá, hoặc theo tên thương mại. Có những loại ngọc khác nhau nhưng lại cùng một khoáng vật (đặt tên theo màu sắc). Tuy nhiên được công nhận thì có khoảng trên dưới khoảng 1000 loại được xác định là ngọc. Ngọc được chia làm 3 loại: Đá quý, Đá bán quý, Đá trang trí.Người ta cũng thường gắn địa danh, màu sắc, tính chất vào tên của loại ngọc. Điều này làm cho các khái niệm về ngọc này ngày nay khá khác biệt và dễ gây nhầm lẫn. Thông thường có khoảng hơn 100 loại thuộc đá qúy, 300 loại thuộc bán quý và còn lại là đá trang trí.
Định Danh
Vì sự đa dạng trong cách hiểu và quan niệm trong đời sống lẫn khoa học, nên trong trang này:
Khoáng Vật: hay Khoáng Chất hay Khoáng được hiểu là Khoáng Vật có tinh thể kết tinh theo danh mục của Hiệp Hội Khoáng Học Quốc Tế (...). Download danh mục tại phần download.
Thạch Vật: hay đá, khoáng thạch ... được hiểu là một tổ hợp của khoáng và các hợp chất khác khoáng. Tên khoáng thạch được nêu có thể là tên khoa học, tên thông dụng, hay tên thương mai. Không có bản danh mục cụ thể nào.
Ngọc: hay đá quý, đá bán quý, đá trang trí hay kim loại quý được hiểu là dạng vật chất quý có giá trị thẩm mỹ cao, và có tính thương mại, mỹ nghệ trong đời sống. Khái niệm này rộng và bao quát chung (vì hiện nay không có từ nào diễn tả được điều này trong tiếng việt). Ngọc nói đến trong trang này được hiểu bao gồm: Đá quý (Theo quan niệm của Hiệp Hội Đá Màu Quốc tế), Đá Bán Quý, Đá Mỹ Nghệ (Theo quan niệm của Kluge), Kim Loại Quý, Hoá Thạch, Vật chất Hữu Cơ Quý, Vật chất Tổng Hợp Quý.